Ở huyện mình, có một số nơi phát âm một số từ chệch đi một chút so với từ phổ thông, ví dụ như cái chổi thành "cái chủi", bạn Hùng lại thành bạn "Hồng"...
Và nhờ đó, một lần mình đã biết được "giấy khiên" là gì?
...Một hôm có một bác đến mua hàng:
- Nhà cháu có bán "giấy khiên" không?
- Dạ? Gì cơ ạ?
- Nhà cháu có "giấy khiên" không?
- "Giấy khiên" ấy ạ? *_*
Trong đầu mình lúc đó nghĩ đến phải chăng là loại giấy gần giống giấy nhám dùng để chà tường trong xây dựng.
- Dạ? "Giấy khiên" ấy ạ?
- Ừ! Loại dùng để viết lên đó?
- "Giấy khiên" ạ?
Mình cứ hỏi đi hỏi lại vì sợ nghe nhầm.
Đúng lúc đó có một bác mua hàng bên cạnh thấy mình cứ lặp đi lặp lại từ "giấy khiên" với vẻ mặt khó hiểu liền cười to:
- Bác ấy là bác hỏi "giấy khen". Giấy khen đó!
- ???
Ha ha, đến lúc này mình cũng phải tự cười bản thân thôi. Có thế mà cũng không hiểu...
Kể ra việc nói tiếng địa phương cũng có nhiều lý thú. Mọi người khi đến nơi khác thường tự động điều chỉnh cách nói của mình cho phù hợp, chứ với người trong gia đình, người làng, người xã thì vẫn là giọng quê, và không ai là không hiểu cả :)
Thú vị phải không?
--------------